Về Đền Hùng – về với cội nguồn dân tộc
Cập nhật: 20/01/2010
Quần thể di tích Đền Hùng thuộc địa phận thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 đến thành phố Việt Trì (84km) đi tiếp khoảng 10km đến ngã ba Hàng rẽ về bên trái 3 km là đến khu di tích. Khu vực Đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa.

Tâm điểm của Khu di tích Đền Hùng có ba ngọn tổ sơn, cao nhất vùng, là: núi Hùng (còn có tên là núi Nghĩa Lĩnh, tên cổ xưa là núi Cả - độ cao 175m so với mặt biển), núi Vặn (còn có tên gọi là núi Ốc Sơn - độ cao 170m so với mặt biển), núi Trọc (còn có tên gọi là Bạch Đầu Sơn – độ cao 151m so với mặt biển). Du khách thăm quan các di tích ở núi Hùng như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng... Bên cạnh những di tích là những công trình mới xây dựng nằm trong khu vực này như: Đền Lạc Long Quân, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ và bảo tàng Hùng Vương.

 

Ðền Hạ: Từ chân núi Hùng rẽ qua Ðại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc xây bằng gạch lên đến đền Hạ và chùa (Thiên Quang tự). Ðền được xây vào thế kỷ 15, tương truyền nơi đây bà Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, để lại người con trưởng làm vua hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang.


Ðền Trung: Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền nơi đây các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu. Cũng ở nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh dày lên cho vua cha nhân dịp tết.


Ðền Thượng: Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá là đến đền Thượng, nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Ðây cũng là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng.


Lăng vua Hùng: Tương truyền đây là mộ vua Hùng Vương thứ 6. Sau khi Thánh Dóng đánh giặc Ân bay lên trời, vua Hùng đã hoá ở đây.


Ðền Giếng: Từ lăng đi xuống, đền ở chân núi phía Ðông Nam. Trong đền có giếng Ngọc, bốn mùa đầy nước, trong vắt soi gương được. Ðền thờ Ngọc Hoa và Tiên Dung là con gái yêu của vua Hùng thứ 18 thường hay chải tóc và soi gương ở giếng này.

 

Tại đây, ngày 19-9-1954 đã ghi dấu một sự kiện quan trọng, Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn về tiếp quản Thủ đô và Bác căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.


Đền Tổ mẫu Âu Cơ:
Được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12/2004. Đền được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn) theo kiến trúc truyền thống với cột, xà, hoành, dui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch bát. Bên cạnh đền chính có nhà Tả vu, nhà Hữu vu, nhà Bia, Trụ biểu, Tứ trụ, Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên. Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu.


Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân: Được khởi công xây dựng ngày 26/2/2007 (8/2 âm lịch) và khánh thành ngày 29/3/2009 (4/3 âm lịch). Đền được xây dựng trên đồi Sim với các hạng mục: đền chính, phương đình, nhà tả vu, hữu vu, lầu hóa vàng, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật. Chính giữa ngôi đền là pho tượng Đức Quốc tổ Lạc Long Quân ở tư thế ngồi trên ngai, đặt trên bệ đá được gia công bằng đá khối có chạm khắc hoa văn theo mô típ văn hóa Đông Sơn. Hai bên là hai pho tượng tướng lĩnh hầu cận.

Bảo tàng Hùng Vương:
được khởi công xây dựng vào năm 1986 và được khánh thành vào ngày 28/3/1993 nhân dịp lễ hội. Đây là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm của thời đại Văn Lang được phát hiện trong địa phận tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là các di vật phát hiện quanh khu vực Đền Hùng. Bảo tàng nằm ở gần Công Quán (nơi tiếp khách thập phương), trưng bày chuyên đề về thời đại các Vua Hùng với 3 chủ đề chính:

- Giới thiệu văn hóa Hùng Vương bằng các hiện vật liên quan tới thời đại Hùng Vương tìm được trên vùng đất Tổ.

- Giới thiệu việc hình thành Khu di tích lịch sử Đền Hùng và ý thức xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng của nhân dân cả nước.

- Tình cảm của nhân dân, sự quan tâm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với Đền Hùng.

 

Đền Hùng là di tích quốc gia đặc biệt, là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước. Đây cũng là nơi phát tích của văn hóa tâm linh Việt Nam, hàng năm thu hút hàng triệu lượt người về thăm viếng, đông nhất là vào dịp lễ hội.

 

Hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ thu hút khách thập phương đến dự lễ bởi những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc mà còn ở tính thiêng liêng của một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam. Ðến hội, mỗi người đều biểu hiện một tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ về quê cha đất tổ. Ðây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt Nam, cho dù họ ở bất cứ nơi đâu.

 

"Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba".

 

Nghi lễ rước, có nhiều cuộc rước thần, rước voi, rước kiệu... của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao, Cổ Tích... Việc tế lễ được tổ chức rất trọng thể vào ngày chính hội (10/3 âm lịch), bắt đầu bằng lễ dâng hương tại đền Thượng là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất. Lễ vật là ngũ quả, bánh chưng, bánh dày hàm ý ôn lại sự tích Lang Liêu, cũng là nhắc nhở công đức các vua Hùng đã dạy dân trồng lúa. Sau tế lễ còn có múa hát xoan (ở đền Thượng), hát ca trù (ở đền Hạ) và nhiều trò chơi khác. Lễ hội thường diễn ra nhiều ngày trước ngày chính hội với những hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú.

 

Cùng lúc với lễ hội dâng hương tại Đền Hùng ở Phú Thọ còn có lễ dâng bái tại Đền Hùng ở TP. Hồ Chí Minh, Đền Hùng ở Nha Trang và nhiều địa phương khác.

 

Thông tin thêm:

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010 có quy mô cấp quốc gia, được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các vùng lân cận thuộc tỉnh Phú Thọ từ ngày 14 đến 23/4/2010 (tức ngày mùng 1 đến 10 tháng Ba năm Canh Dần). Các hoạt động nổi bật:

- Ngày 14/4/2010: Khai mạc Lễ hội Đền Hùng sẽ diễn ra song song với lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 7 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

- Ngày 21/4/2010: chương trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với chủ đề "Kinh đô Văn Lang - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tỏa sáng"

- Ngày 23/4/2010 (tức 10/3 năm Canh Dần): lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương.

Đây là một trong những sự kiện hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ 11.

 

Phí tham quan:

- Đối tượng thu phí áp dụng cho người Việt Nam, người nước ngoài thống nhất một mức.

- Thời gian thu phí là tất cả các ngày trong năm, trừ ngày Tết Nguyên đán; dịp Giỗ tổ Hùng Vương (từ ngày 1/3 đến hết ngày 10/3 âm lịch hàng năm).

- Không thu phí đối với trẻ em từ 10 tuổi trở xuống.

- Mức thu phí: Đối với người từ 16 tuổi trở lên là 10.000 đồng /người/lượt; đối với người trên 10 tuổi đến dưới 16 tuổi: 5.000 đồng /người/lượt.

 

Phương Anh (Tổng hợp)