Hội thảo về giảm nghèo và tạo việc làm bền vững thông qua du lịch
Cập nhật: 10/05/2012
Trong hai ngày 7 và 8/5/2012, tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo về giảm nghèo và tạo việc làm bền vững thông qua du lịch nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và những đơn vị liên quan định hướng chiến lược để tăng cường các hoạt động của ngành Du lịch hướng tới các biện pháp bền vững hỗ trợ tăng trưởng du lịch và giảm nghèo.

Tham dự hội thảo có Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Đinh Hài; Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Lưu; Giám đốc ILO Gyorgy Sziraczki; đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số tỉnh duyên hải miền Trung cùng nhiều phóng viên báo chí…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc ILO Gyorgy Sziraczki cho biết: Hội thảo là dịp đánh giá tình hình lao động trong ngành du lịch Việt Nam, tham khảo những kinh nghiệm thực tiễn của ILO trong việc tạo việc làm bền vững thông qua phát triển du lịch; đồng thời  thảo luận các chính sách, phương thức thực hiện đối với việc tạo việc làm bền vững thông qua du lịch.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu tổng quan về tình hình du lịch Việt Nam và các cơ hội tạo việc làm cho người dân thông qua du lịch, đặc biệt là người nghèo. Trong những năm qua, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển nhanh và đem lại doanh thu hàng tỉ USD mỗi năm cho Việt Nam. Cơ hội mang đến nhiều việc làm cho người dân của ngành du lịch được dự báo rất khả thi trong tương lai. Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, với mục tiêu năm 2020 đón từ 10 đến 10,5 triệu lượt khách quốc tế, từ 47 đến 48 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt từ 18 đến 19 tỷ USD, du lịch Việt Nam sẽ tạo ra 3 triệu việc làm, trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch. Tuy nhiên, hiện nay sự phân bố nhân lực du lịch Việt Nam được đánh giá là chưa đồng đều, phần lớn vẫn tập trung ở một số khu vực du lịch trọng điểm trong khi nhiều vùng khác không có hoặc rất ít, dẫn đến tình trạng nhiều người dân chưa được hưởng lợi ích từ du lịch. Quảng Nam là một ví dụ điển hình. Mặc dù có tiềm năng du lịch to lớn với 125km đường bờ biển; 2 di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn; khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nhưng việc khai thác du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết mở rộng, chủ yếu là khai thác du lịch biển dẫn đến người dân ở sâu trong đất liền chưa được hưởng lợi nhiều từ du lịch.


Dự án của ILO đã khôi phục và phát triển Làng nghề dệt thổ cẩm Za Ra (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam)

Để khắc phục tình trạng này, ILO đang triển khai dự án "Tăng cường hoạt động du lịch vào sâu trong đất liền Quảng Nam" với tổng vốn đầu tư khoảng 1,35 triệu USD do Chính phủ Luxembourg tài trợ. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Đinh Hài cho biết, dự án sẽ góp phần giúp Quảng Nam tối đa hóa lợi ích từ du lịch. Hy vọng đến cuối năm 2013, Quảng Nam sẽ tăng được 10% số doanh nghiệp mới hoạt động về du lịch ở các khu vực nằm sâu trong đất liền.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung tìm hiểu công ước 172 của ILO về điều kiện làm việc tối thiểu trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng; thảo luận những nhu cầu của ngành du lịch và giới thiệu các biện pháp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững nhằm tạo việc làm, nâng cao hiệu suất công việc, thu nhập xứng đáng cho người lao động.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, ILO và UBND tỉnh Quảng Nam sẽ kiến nghị với các tổ chức xã hội tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy ngành du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng ngày càng phát triển bền vững.



                                                                                           Thanh Hải (TTTTDL) biên tập