Bạc Liêu những vườn chim, vườn nhãn
Cập nhật: 24/10/2007
Vườn chim Bạc Liêu thuộc địa phận xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu, cách thị xã Bạc Liêu 6km về hướng biển. Theo tư liệu của Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn chim Bạc Liêu, địa danh này xuất hiện cách nay khoảng 100 năm.
Vườn chim là một phần thảm rừng còn sót lại ven biển đông do sự bồi tụ tự nhiên nên ngày càng xa biển hơn. Năm 1962, Vườn chim được một hộ dân quản lý chăm sóc, bảo vệ và khai thác chim non; sau đó, chính quyền địa phương sớm nhận thức Vườn chim là tài sản thiên nhiên quý hiếm nên đã có sự đầu tư từng bước.
Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385ha, trong đó có 19ha rừng nguyên sinh, Vườn chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim; trong số đó, giang sen, cốc đế nhỏ đã được ghi vào sách đỏ; 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ; 150 loài động vật; trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, 8 loài bò sát và một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học.
Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, nơi đây đã có không biết bao nhiêu thế hệ các loài chim sinh sôi, nảy nở. Hiện nay, qua tính toán sơ bộ, số lượng chim còn khoảng 40 ngàn con và 5 ngàn tổ chim các loại. Vườn đang từng bước được tỉnh Bạc Liêu đầu tư theo hướng vừa giữ được sắc thái thiên nhiên hoang dã, phù hợp với tính đa dạng sinh học, phục vụ cho nghiên cứu khoa học vừa khai thác một phần thích hợp, tạo điều kiện cho khách tham quan du lịch và giải trí.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là xứ sở của vườn cây ăn trái; trong đó nhãn là loại cây được trồng nhiều nhất. Riêng tại Bạc Liêu, nếu có dịp đi qua vùng đất này mà không ghé qua khu vườn nhãn cổ hơn trăm tuổi thì có thể coi như chưa đến Bạc Liêu. Bởi đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách phương xa đến tham quan.
Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu. Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn đã được trồng hơn một trăm năm nay. Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang hai giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng.
Hiện nay, tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành (quê hương xứ nhãn) có Vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng) rộng đến 3ha, lớn nhất ở Hiệp Thành, tuổi thọ đã trên trăm năm. Tại đây có một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to 2 người ôm không xuể. Hằng năm cứ đến tháng 5 là nhãn trổ bông và sau 4 tháng bắt đầu thu hoạch; mỗi năm chỉ có duy nhất 1 vụ. Theo ước tính của những người trồng nhãn, trung bình 1 cây nhãn cổ có thể cho đến 300 - 400kg/vụ, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Nhằm giữ gìn, bảo tồn khu vườn nhãn cổ cũng như phát triển vùng du lịch sinh thái, tỉnh Bạc Liêu đã giao cho các cơ quan chức năng phối hợp cùng Ngành du lịch của tỉnh thành lập dự án phát triển du lịch sinh thái, văn hóa tại khu vườn nhãn cổ, nằm trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh như: Khu du lịch - dịch vụ cụm Nhà Công tử Bạc Liêu; Khu du lịch bãi biển Nhà Mát - Hiệp Thành; Vườn nhãn; Khu du lịch sinh thái rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; dự án khôi phục, bảo vệ Vườn chim Bạc Liêu...
Hà Nội Mới
|
|
|