UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức Chương trình Lễ đón nhận các sự kiện văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ 5 năm 2012. Chương trình dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 5 - 7/10/2012.
|
Kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm |
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ 5 – 2012 sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng như: Liên hoan ca múa nhạc dân gian; trại văn hóa; giới thiệu ẩm thực dân gian; thi Người đẹp tỉnh Bắc Giang; hội thảo khoa học: “Liên kết phát triển du lịch Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn”; các hoạt động thể thao: thi vật dân tộc, đẩy gậy, kéo co, cờ bỏi, bắn nỏ…; trình diễn nghề thủ công truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian; trình diễn hai Di sản văn hóa là Quan họ và Ca trù; tổ chức triễn lãm, trưng bày sinh vật cảnh...
Chương trình nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 117 năm thành lập tỉnh Bắc Giang (1895 - 2012), kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh Bắc Giang (1997 - 2012), ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11); đồng thời, vinh danh Di sản ký ức thế giới Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương công nhận và các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận năm 2012.
Lễ khai mạc diễn ra vào 20h00 ngày 5/10/2012 với Lễ đón nhận danh hiệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế… Tiếp đó là chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Bắc Giang – Ký ức tỏa sáng” gồm 3 chương: Giao hội và tinh kết; Khí phách hào hùng; Di sản thăng hoa.
Trong đó, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm sẽ được coi là một trong những điểm nhấn của Ngày hội. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vừa chính thức được công nhận là Di sản ký ức thế giới vào ngày 16/5/2012. Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận dựa trên ba tiêu chí là tính xác thực, tính độc đáo không thể thay thế và vị trí vai trò trong khu vực. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có tất cả 3.050 bản khắc gỗ với 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính: loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các phật tổ thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại. Được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm, những mộc bản này được khắc vào nhiều thời điểm khác nhau, là tư liệu phản ánh những tư tưởng quan trọng trong triết lý Phật giáo Việt Nam.