(TITC) - Thiết thực chào mừng kỷ niệm 59 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2013), đồng thời hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, UBND thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Liên hoan Làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2013 (gọi tắt là Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2013) với chủ đề “Hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống sông Hồng” từ ngày 9 – 12/10/2013 tại Cung Thể thao Quần Ngựa Hà Nội.
|
Các sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái |
Với quy mô hơn 400 gian hàng, Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2013 sẽ bao gồm nhiều hoạt động như: triển lãm giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống; quảng bá các chương trình du lịch làng nghề tiêu biểu; giới thiệu tinh hoa nghệ thuật ẩm thực của Hà Nội và các địa phương…; và một số hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian như: rối nước, rối cạn, ca trù…
Trong khuôn khổ Liên hoan còn diễn ra tọa đàm về “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch làng nghề, phố nghề truyền thống của Hà Nội” với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nghệ nhân, các doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và một số tổ chức quốc tế như: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV)…
|
Du khách nước ngoài tham quan, mua sắm tại làng lụa Vạn Phúc |
Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội 2013 là dịp để quảng bá thương hiệu và các sản phẩm, dịch vụ du lịch làng nghề truyền thống tiêu biểu, đồng thời tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của Hà Nội và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng như một số tỉnh, thành trong cả nước, góp phần phát triển làng nghề truyền thống nói riêng và ngành Du lịch nói chung. Liên hoan cũng là dịp để giao lưu, tăng cường hợp tác phát triển về văn hóa – du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch trong cả nước; tạo cơ hội cho du khách trong và ngoài nước tìm hiểu và tham gia trực tiếp các hoạt động của sự kiện này.
Là mảnh đất nghìn năm văn hiến, thủ đô Hà Nội là nơi có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề, trong đó có 277 làng nghề được thành phố công nhận làng nghề truyền thống, như: gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dệt Triều Khúc, thêu Đại Đồng, sơn mài Hạ Thái, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ... Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, tính riêng năm 2012, các làng nghề ở Hà Nội đã thu hút hơn 739.630 lao động với thu nhập bình quân của 1 lao động đạt 25 triệu đồng/người/năm. Trong quy hoạch phát triển nghề và làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu tạo việc làm cho khoảng 800.000 đến 1 triệu lao động nông thôn với thu nhập bình quân đầu người đạt 20 đến 30 triệu đồng/năm vào năm 2015, đạt 35 đến 40 triệu đồng/năm vào năm 2020 và 50-60 triệu đồng/năm vào năm 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ ưu tiên hỗ trợ các làng nghề gắn với du lịch và xuất khẩu, ngành nghề sử dụng nhiều lao động, ngành nghề sử dụng lao động trong nước. Trước mắt, từ nay đến năm 2015, tập trung bảo tồn và khôi phục 10 làng nghề gồm: làng tết thao làm quai nón Triều Khúc, làng sơn mài Ðông Mỹ (huyện Thanh Trì); làng giấy dó Vân Canh, làng tranh sơn mài Kim Hoàng (huyện Hoài Ðức); làng dệt the La Khê (quận Hà Ðông); làng gốm Phú Sơn (thị xã Sơn Tây); làng đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Ðình); làng giấy dó Bưởi (quận Tây Hồ); làng nghề dâu tằm tơ Thụy An (huyện Ba Vì); làng Ðẹp Thôn (huyện Mê Linh). Giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ bảo tồn và khôi phục 11 làng nghề là làng nón lá Ðại Áng (huyện Thanh Trì); làng nhạc cụ Ðào Xá (huyện Ứng Hòa); làng dệt the, lụa Cổ Ðô (huyện Ba Vì); làng tre trúc Xuân Thủy (huyện Sóc Sơn); làng giấy sắc Nghĩa Ðô (quận Cầu Giấy); làng gốm Tô Hiệu (huyện Thường Tín); làng dâu tằm tơ Tráng Việt, Ðông Cao (huyện Mê Linh); làng thêu ren Hạ Mỗ (huyện Ðan Phượng); làng dệt chồi, lượt Phùng Xá (huyện Thạch Thất); làng nghề ren Bình Ðà (huyện Thanh Oai).
|
Bài: Phạm Phương; ảnh: Huy Hoàng