Về Tây Đô thăm chợ nổi Cái Răng
Cập nhật: 01/02/2009
Còn gì thú vị hơn khi một sớm mùa xuân được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh Tây Đô, nghe hò Nam Bộ và thăm chợ nổi Cái Răng - nét đặc trưng văn hóa sông nước Cửu Long.

Mới tờ mờ sáng, từ bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ - thủ phủ của Tây Đô cũ) hướng tầm mắt ra dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng đã thấy những chiếc ghe chất đầy ắp sản vật chạy ngược xuôi. Ở miền Tây, do sông ngòi chẳng chịt nên ghe, xuồng trở thành phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, giống như xe máy ở chốn thành thị.

Tuy nhiên, đây chính là một trong những "đặc sản" cuốn hút du khách tới thăm vùng đất này. Bởi còn gì thú vị hơn khi được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên sông Hậu ngắm bình minh, cảnh vật và con người vùng sông nước Cửu Long.

Ngồi trên thuyền tới thăm quan chợ nổi Cái Răng, du khách còn được hướng dẫn viên người địa phương đưa về thăm thôn xóm, vườn cây ăn trái, hòa vào cuộc sống bình dị nhưng chan chứa tình làng nghĩa xóm của người dân nơi đây qua câu hò Cần Thơ. Sau mỗi câu hò mộc mạc là những tiếng vỗ tay tán thưởng dành cho loại hình nghệ thuật độc đáo này.

"Hò ơ... ơ... ơ... Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái / Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba / Mặc piyama khăn rằn quấn cổ / Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ / Muốn cùng em thổ lộ đôi lời / Cấy cày cực lắm em ơi / Theo anh về vườn ăn trái mà suốt đời ấm no".

Cùng với chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng lâu nay được du khách trong và ngoài nước biết đến là một trong hai chợ trên sông nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ. Nhiều người cho rằng, đến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì kể như chưa biết gì về "thủ phủ" cũ của Tây Đô.

Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5-6 km, chợ nổi Cái Răng đang trở thành địa điểm du lịch lý tưởng cho khách du lịch đến với miền đất Tây Đô. Chợ họp đông nhất vào lúc 6h sáng, kết thúc lúc 8-9h, với hàng trăm ghe lớn nhỏ mua bán các loại trái cây và nông sản của vùng quê sông nước này.

Do không thể rao hàng nên người dân nơi đây nghĩ ra một cách "quảng cáo" rất hiệu quả và dễ thấy. Trên mỗi thuyền, người ta cắm một chiếc sào cao, treo tất cả hàng hóa muốn bán lên đó và gọi là treo bẹo. Do đó, từ xa, người mua có thể nhận ra thuyền chở loại hàng mình cần và tấp tới tấp nhập hàng.

Cũng giống như trên bờ, ở chợ nổi không chỉ có hàng trái cây mà còn có cả những chiếc thuyền, ghe chở hủ tiếu, cà phê, thuốc lá, bia, tạp phẩm... phục vụ cho những tiểu thương trên sông. Những "tài xế" này điêu luyện tới mức có thể dùng chân điều khiển ghe len lỏi khắp nơi phục vụ khách có nhu cầu.

Điều cuốn hút du khách hơn cả chính là việc vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật vùng sông nước ngay trên chính các ghe hàng của người dân nơi đây bằng tình cảm nồng ấm, trìu mến của người miền Tây.
Vnexpress