Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống lâu đời của Việt Nam, xuất hiện từ đời Lý, vào khoảng thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Sân khấu rối nước là sân khấu hội hè, lưu giữ nhiều sáng tạo nghệ thuật dân gian, kỹ thuật nhân dân cổ xưa và nhiều sinh hoạt tinh thần, tập tục, lao động vật chất của cư dân trồng lúa nước Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước từ hàng nghìn năm xưa.
Trải qua một thời gian dài gần 10 thế kỷ, nghệ thuật múa rối nước luôn thu hút người xem và đến nay múa rối nước không chỉ chiếm được sự mến mộ của khán giả trong nước mà còn đặc biệt hấp dẫn du khách nước ngoài.
Đặc điểm nổi bật của nghệ thuật rối nước là dùng mặt nước làm sân khấu cho con rối hoạt động. Phía sau sân khấu có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã (gọi là nhà rối hay thủy đình). Những con rối biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông, thông qua hệ thống sào, dây. Biểu diễn rối nước không thể thiếu những tiếng trống, âm thanh khác phụ trợ. Nước không chỉ là nơi con rối làm trò đóng kịch mà còn là yếu tố cộng minh, cộng sinh, cộng hưởng. Nước vừa cản trở vừa hỗ trợ, phối hợp với con rối. Con rối nước chỉ là những công trình điêu khắc gỗ sơ sài, thô cứng, màu sắc nghèo, cử động gấp khúc, vừa đủ gợi cho người xem nhận thức khái quát về người, về vật,... Nhưng nước đã tạo nên sự ảo hoá hiện tượng nhờ đặc tính lỏng và phản quang của mình. Sân khấu rối nước luôn đầy ắp sắc hình trời, mây, cây, cảnh... chuyển đổi khôn lường in trên mặt nước làm nền cho nhân vật “rối” hoạt động. Trên “sân khấu” này, tất cả đều lung linh, mềm mại, uyển chuyển, biến hoá liên tục trước mắt người xem. Những gì là thô cứng, nghèo nàn của đường nét, màu sắc, cử động ở quân rối đều trở nên sinh động, phong phú. Nước ẩn giấu trong lòng tất cả mọi bí mật của trò rối. Người xem trên bờ thấy con rối chợt hiện, chợt ẩn, mềm mại, dịu dàng, uốn lượn hơn cùng tiếng trống, tiếng nhạc.
Trước kia, xem rối nước là ngồi ngoài trời, trực tiếp với thiên nhiên. Ở đây tất cả đều thực, giác quan con người đều có thể cảm thụ được. Rối nước vừa thực vừa hư, vừa sân khấu vừa cuộc đời, gắn bó với nhân dân Việt Nam như cây đa, bến nước, lời ru, cánh cò,... Múa rối nước thường được biểu diễn trong dịp tết cổ truyền hoặc trong các dịp lễ hội của người Việt. Trong kho tàng múa rối nước của Việt Nam, có hàng trăm trò / tiết mục kể về những sự tích dân gian và cuộc sống hàng ngày của người dân Việt và miền đồng bằng sông Hồng, nơi được biết đến như là cái nôi sinh ra hình thức nghệ thuật này.
Ngày nay, hàng chục trò/ tiết mục đã được các Nhà hát múa rối chuyên nghiệp và các làng rối khai thác.
Đến với làng rối hàng trăm năm tuổi
Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nơi đâu cũng có nghệ thuật múa rối dân gian, có rất nhiều phường rối đã và đang được duy trì bảo tồn và phát triển.
Phường rối nước Hồng Phong là một trong những làng quê vẫn gìn giữ được những tích trò đặc sắc. Trải qua bao đổi thay của lịch sử, Hồng Phong vẫn giữ cho mình một vẻ đẹp nguyên sơ, thanh bình. Quanh ao Thủy Đình, nơi diễn các tuồng tích rối nước của phường rối Hồng Phong luôn thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Hơn 300 năm tồn tại với nhiều biến cố thăng trầm, phường rối nước Hồng Phong đã tạo được tên tuổi vang xa khắp cả nước. Và nơi đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Hải Dương.
Để có các tích trò thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức, các nghệ nhân phường rối nước Hồng Phong đã phải tốn rất nhiều thời gian công sức và tâm huyết để tạo ra vẻ đẹp hình thức cho những con rối cũng như thường xuyên sáng tạo đổi mới các tích trò. Trong khi đó, biểu diễn rối nước rất công phu và phải qua nhiều công đoạn chuẩn bị nên đòi hỏi nghệ nhân sự kiên trì, lòng nhẫn nại cùng niềm say mê nghề. Có hàng chục công đoạn phải chuẩn bị như: làm thủy đình, đóng cọc, dẫn dây, rồi tác tạo hình tượng những con rối phù hợp với từng tích, trò. Các công đoạn không phức tạp lắm nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo và khiếu thẩm mỹ cao của các nghệ nhân tạo hình. Các con rối, chú Tễu, các con vật quen như: long, lân, qui, phụng, cá chép vượt vũ môn… của phường rối Hồng Phong sinh động hơn nhiều nơi khác do chúng được thực hiện bởi các nghệ nhân làng mộc Cúc Bồ nổi tiếng với tay nghề tinh xảo.
Đến với phường rối nước Hồng Phong, du khách không chỉ được thưởng thức mà còn có thể tự mình tham gia rối nước. Ở đây, du khách cũng có thể trở thành một nghệ nhân thực thụ với chú Tễu, quần xắn cao tận đầu gối, họ lội xuống nước học cách biểu diễn rối nước và thích thú điều khiển chú Tễu hoạt động.
Phá cách sân khấu rối truyền thống: Một mình… một sân khấu
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh ra trong một gia đình 7 đời biểu diễn múa rối nước ở thôn Trạch, Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cha anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải, tác giả của thủy đình đang được hầu hết các nhà hát, các phường rối nước sử dụng hiện nay và là người sáng tạo ra hình tượng chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp). Hiện nay, anh là thành viên của Tổ chức Múa rối Thế giới UNIMA.
Anh đã làm được điều dường như không tưởng và được biết đến như là một "phù thuỷ" có thể “hô biến” một ao nước mênh mông với hàng chục diễn viên cùng cả tấn đạo cụ cồng kềnh thành một sân khấu mini mà anh là diễn viên duy nhất. Và chỉ sân khấu của anh, khán giả nhí mới có thể thử làm diễn viên múa rối.
Anh giải thích, ngày xưa các cụ sử dụng những con rối rất nhỏ chứ không to như các nhà hát đang dùng bây giờ. Vì thế, nhân vật rối của anh cũng chỉ nhỏ bé xinh xắn như những món đồ lưu niệm. Anh chế ra một sân khấu nhỏ được lắp từ những mảnh ghép, sau đó trải lên một tấm bạt và đổ nước. Nếu các nghệ sĩ rối nước khác luôn phải ngâm mình trong nước còn anh thì chỉ đứng ngoài bể và dùng tay điều khiển. Đồ nghề có thể xếp gọn trong một chiếc hòm, đi đâu xách theo nhẹ nhàng như người đi du lịch.
Trông như một chậu nước to song sân khấu mini ấy lại cần sự tính toán cẩn trọng, vì chỉ cần lượng nước không đủ hay đặt trên bề mặt gồ ghề là có thể tan tành một buổi diễn. Sân khấu độc đáo này có thể len lỏi đến từng ngóc ngách dân
cư mà đồng nghiệp tại các nhà hát lớn phải… bó tay. Lúc thì trên vỉa hè một hội chợ, khi lên khu nghỉ dưỡng trên núi, thậm chí vào cả tháp Hà Nội. Đến nay, anh là người duy nhất biểu diễn rối nước kiểu này và sân khấu mang tên Thanh Liêm được bạn bè quốc tế truyền tai nhau như một sự thú vị, lạ lùng.
Những ngày đầu, anh biểu diễn với một con rối, rồi dần dà anh nghĩ cách để điều khiển hai, ba nhân vật. Đến giờ, cùng lúc anh có thể “bắt” 8 chú rối phải nghe theo ý mình nhờ một dàn điều khiển mà phải khó nhọc lắm mới sáng chế thành công.
Anh cho biết, các trò diễn dân gian đem lại cho anh niềm tự hào khôn tả mỗi khi biểu diễn tại xứ người. Chỉ đơn giản là trò chọi trâu, đua thuyền, múa rồng… song khán giả có thể cảm nhận được nét tinh tế trong văn hoá của người điều khiển. Theo anh, các trò diễn không cần kể
câu chuyện thật hay mà cái chính là sự khéo léo, tài tình trong từng động tác di chuyển, hoạt động của nhân vật rối. Những chuyến lưu diễn dài ngày ở Ý, Ba Lan, Canada, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… của anh luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Thông tin thêm:
Một số địa chỉ biểu diễn múa rối nước:
+ Tại Hà Nội:
+ Nhà hát múa rối Việt Nam
Địa chỉ: 361 Trường Chinh - Hà Nội
Đặt chỗ, mua vé xem biểu diễn xin liên hệ:
Phòng bán vé: (84-4) 3853 4545
Thời gian biểu diễn: 17h00 – 18h30 các ngày trong tuần
Giá vé: Loại 1: 50.000VND/vé
Loại 2: 40.000 VND/vé
+ Nhà hát múa rối Thăng Long
Địa chỉ: 57b Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội
Nhà hát biểu diễn vào các ngày trong tuần
Thời gian: 15h30 – 17h00 – 18h30 – 20h00 – 21h15
Sáng Chủ Nhật 9.30 (Đặc biệt giảm 1/2 giá vé cho thiếu nhi)
Giá vé: Loại 1: 60.000VND/vé
Loại 2: 40.000 VND/vé
+ Tại Huế:
+ Nhà hát múa rối Cố Đô Huế
Địa chỉ: 49 Lê Lợi – Tp. Huế.
- Thời gian biểu diễn: Nhà hát mở cửa phục vụ quý khách tất cả các buổi chiều và tối trong tuần (kể cả chủ nhật và ngày lễ); Gồm 3 xuất diễn (múa rối nước):
- Lịch diễn mùa đông: 15h30 - 18h 30 - 20h30
- Lịch diễn mùa hè: 15h30 - 19h30 - 21h00
- Thời lượng xuất diễn: 50 phút
Giá vé:
Khách nước ngoài:
- Người lớn: 50.000 đồng
- Trẻ em: 30.000 đồng
Người Việt Nam:
- Người lớn: 40.000 đồng
- Trẻ em: 20.000 đồng
+ Tại TP. Hồ Chí Minh:
+ Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng
Địa chỉ: Cung văn hóa Lao động, 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 TP. Hồ Chí Minh
Phương Anh (Tổng hợp)