Chùa Láng, còn gọi là chùa Cả, tên chữ Hán là Chiêu Thiền tự, nằm trên đất làng Láng cũ, nay là cuối phố chùa Láng, một con đường đẹp mới được hoàn thành vào năm 2004 thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ 12, thời vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175), ngay trên nền nhà Phụ mẫu của Thiền sư Từ Đạo Hạnh - một thiền sư nổi tiếng thời Lý. Chùa thờ Phật, thờ vua Lý Thần Tông (trị vì 1128-1138) và thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hoá quốc gia năm 1962.
Tương truyền, nhà sư Từ Đạo Hạnh tu đắc đạo, pháp thuật cao, hóa thân tại chùa Thầy, được Đại Điện giúp đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hầu (em ruột Lý Nhân Tông). Vua Lý Nhân Tông không có con trai nên khi về già lập con trai của Sùng Hiền Hầu làm thái tử, sau này là vua Lý Thần Tông. Khi cha mất, Lý Anh Tông (con Lý Thần Tông) đã xây chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha. Tên chữ Chiêu Thiền tự được giải thích trong văn bia tạo dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) hiện còn được bảo quản ở chùa như sau: Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư đại thánh nên gọi là Thiền.
Về cảnh đẹp của chùa, bài văn bia đã mô tả: Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp. Khí tốt Phượng thành bên hữu toả khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp.
Chùa Láng đã từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu và kiến trúc như hiện nay có nhiều thay đổi so với ban đầu, nhưng những nét cổ kính về di tích và địa điểm của chùa vẫn giữ nguyên như cũ.
Chùa nằm trong một khuôn viên rộng và đẹp, có nhiều cây cổ thụ, có một quần thể kiến trúc cân đối hoà quyện với thiên nhiên. Cổng tam quan dẫn vào sân chùa có đôi câu đối viết theo lối Khải thư rất đẹp ghép bằng những mảnh sứ màu xanh làm tăng thêm vẻ trang nghiêm cổ kính và hoành tráng của ngôi chùa. Giữa sân chùa là một kiến trúc độc đáo - nhà Bát giác, nơi đặt kiệu thánh vào đêm trước ngày khai hội. Mái nhà lợp theo kiểu mái chồng, hai tầng, 16 mái trông rất thanh thoát và hài hòa. Phía sau sân chùa là tiền đường, trung đường, nhà thiêu hương, thượng điện, tả hữu hành lang, nhà tổ, nhà mẫu và vườn tháp mộ. Thượng điện được bố trí theo kiểu “tiền Thánh hậu Phật”, với tượng đức thánh Láng đặt ở phía trước, phía sau là các lớp tượng Phật.
Chùa còn gìn giữ được nhiều di vật quý giá có giá trị lịch sử và nghệ thuật như tấm bia "Tạo lệ" dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) cao 1,4m, rộng 0,8m, hoa văn tinh xảo, bia Phúc Điền cùng 13 tấm bia khác từ thời Tự Đức đến thời Bảo Đại. Chùa Láng hiện còn lưu giữ các đạo sắc phong của các triều Lê, triều Tây Sơn, triều Nguyễn, một "đại hồng chung" và một khánh lớn bằng đồng đúc năm Thiên vận Mậu Ngọ (1738).
Trong hậu cung chùa còn có pho tượng Đức Từ Đạo Hạnh bằng mây đan phủ sơn mặc áo cà sa và tượng Lý Thần Tông bằng gỗ ngồi trên ngai vàng. Dưới mái hành lang còn có hai dãy thập điện và 18 vị La Hán cùng nhiều tượng thờ có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 trải dài từ đời Lê đến triều Nguyễn được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạo tác rất sinh động mang tính nghệ thuật cao. Theo lời kể của nhiều người ở địa phương thì trước đây trong chùa còn có một quyển kinh bằng đồng lá, tương truyền mỗi lần vua Lý lên chùa vẫn dùng để tụng. Sau này quyển kinh bị thất lạc.
Ngoài những hiện vật quí như trên, trong chùa còn có một số lượng lớn đại tự, hoành phi, câu đối ca ngợi công đức Thiền sư cũng như triết lý của đạo Phật.
Hàng năm, vào ngày mồng 7 tháng ba âm lịch (là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh), hội chùa Láng được tổ chức. Hình thức hội Láng nằm trong hệ thống các phong tục hội hè mang đậm nét văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa. Trải qua nhiều đời, nó đã góp vào quá trình sinh hoạt văn hóa dân gian thêm phong phú và độc đáo. Tiếng là hội làng Láng nhưng thực ra là hội của cả một vùng gồm nhiều làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch.
Ngày mùng 5/3, rước kiệu đến chùa Nền, để Thánh thăm lại nơi sinh.
Ngày mùng 6/3, rước kiệu đến chùa Tam Huyền ở làng Mọc để Thánh thăm cha, trên kiệu chỉ có bát hương. Tối mùng 6, rước tượng Thánh trong chùa Cả ra đặt trong nhà “bát giác” giữa sân, để Thánh xem lễ: 10 cô gái ăn mặc lộng lẫy, buộc vào mu bàn tay 1 bông hoa giấy và gắn 1 cây nến cháy giữa lòng bàn tay, múa lượn chung quanh trong nền nhạc tấu lên của phường tài tử.
Sáng mùng 7/3, các đô tuỳ ngoại nghinh tượng Thánh ra sập đá trước tam quan để chồng đòn kiệu, rước long kiệu ra cửa tam quan để chờ các làng kết chạ như Nhược Công. Làng Mọc cũng rước long đình đến nhập cuộc rước. Đây là lễ rước lớn và có diễn tích "đấu thần" (đấu với sư Đại Điên - chùa Duệ), sau đó tới chùa Hoa Lăng (Cầu Giấy) thăm mẹ, rồi hoàn cung.
Trong lễ hội có nhiều hoạt động như: đánh đu, đấu vật, đánh cờ, hát tuồng, hát chèo, hát thờ.
Phương Anh (tổng hợp)