Nếu có dịp đến An Giang vào mùa nước nổi (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm), mời du khách hãy ghé thăm rừng tràm Trà Sư – một điểm du lịch đẹp đã làm say đắm biết bao du khách, thuộc địa phận xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Ngã ba Lộ Tẻ (huyện Châu Thành) cách thành phố Long Xuyên khoảng 15km về phía bắc. Từ đây, đi theo tỉnh lộ 941, du khách sẽ tới địa phận thị trấn Tri Tôn (An Giang). Rẽ phải và tiếp tục đi theo tỉnh lộ 948, du khách sẽ tới xã Văn Giáo. Vượt qua đoạn đường 30/4 dài khoảng 3,5km, du khách sẽ tới rừng tràm Trà Sư.
Nhìn từ xa, khu rừng tràm bát ngát một màu xanh ngăn ngắt. Để có thể tham quan và khám phá khu rừng này, du khách theo xuồng ba lá len lỏi vào từng ngõ ngách của rừng tràm. Dòng kênh dài với nguồn nước mát lành, thi thoảng lại có chú cá quẫy đuôi làm xao động mặt nước sẽ càng tạo thêm nguồn cảm hứng muốn chinh phục thiên nhiên của du khách. Cứ mỗi nhịp chèo khua nhè nhẹ trên dòng nước là du khách đã đi sâu hơn vào bên trong của xứ sở thiên nhiên này, để rồi có dịp ngắm nhìn từng loài chim nước đang hót véo von trên những ngọn cây hay đang rỉa lông, cánh trên mặt nước…
Khung cảnh ở rừng tràm vào lúc chiều tà còn hấp dẫn và lý thú hơn rất nhiều. Khi ánh nắng bắt đầu nhạt dần chỉ còn sót lại những sợi tơ vàng óng xuyên qua những ngọn cây, đó chính là lúc những đàn chim rủ nhau lũ lượt bay về tổ. Chúng xuất hiện dày đặc trong khu rừng với dáng vẻ rất tự nhiên như thể không có sự xuất hiện của con người nơi đây. Từng bầy chim bay lên, đáp xuống nhịp nhàng, tiếng líu lo, ríu rít làm xao động cả khu rừng. Trong không khí vui nhộn và rộn ràng ấy, du khách sẽ cảm thấy khung cảnh nơi đây càng đẹp và quyến rũ hơn. Chiều càng xuống sâu, màn đêm buông xuống, cũng là lúc du khách nên ghé lại tại lán bên bìa rừng, trong ánh lửa bập bùng, du khách vừa có dịp thưởng thức những món ăn đặc sản miền sông nước, vừa có dịp thả hồn theo những cung bậc trầm bổng của tiếng đờn ca tài tử Nam Bộ…
Với diện tích khoảng 845 ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm cùng hệ sinh thái đất ngập nước tiêu biểu cho khu vực tây sông Hậu, tháng 5/2005, rừng tràm Trà Sư được công nhận là rừng đặc dụng, bảo vệ cảnh quan nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Quốc gia, có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất phong phú.
Theo Ban quản lý rừng tràm Trà Sư, hiện ở đây có khoảng 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ, trong số đó bộ Sẻ với 26 loài có số lượng nhiều nhất, đặc biệt có hai loài quý hiếm được xếp vào sách đỏ Việt Nam, đó là: cò lạo Ấn Độ và cổ rắn (điên điển).
Đối với loài thú, nơi đây có khoảng 36 loài thuộc 6 bộ và 16 họ, trong đó dơi chó tai ngắn là loài quý hiếm và đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam. Ngoài ra, ở đây còn có 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng.
Bên cạnh hệ động vật phong phú, hệ thực vật ở đây cũng rất đa dạng. Theo số liệu thống kê, nơi đây có khoảng 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh. Nếu xét theo loài thực vật trong tổng số diện tích thì rừng Trà Sư có tỷ lệ cao hơn hẳn so với nhiều vùng đất ngập nước khác thuộc khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ sau khu bảo tồn thiên nhiên Xẻo Quýt (Đồng Tháp).
Ngoài ý nghĩa về mặt bảo tồn, phát triển, giá trị kinh tế ở rừng tràm còn chứa đựng những yếu tố văn hóa rất độc đáo. Hiện ở xung quanh khu rừng có rất nhiều đồng bào dân tộc Khmer và Kinh sinh sống, chủ yếu với các ngành nghề như: dệt thổ cẩm, lụa; nấu đường thốt nốt; trưng cất tinh dầu tràm...
Nhờ thiên nhiên ưu ái ban tặng mà rừng tràm Trà Sư đã trở thành điểm đến rất lý tưởng đối với nhiều nhà nguyên cứu khoa học và nhiều du khách ưa thích khám phá, đặc biệt, nơi đây còn rất thuận lợi trong việc du lịch liên hoàn ở vùng Bảy Núi vào mùa nước nổi: từ núi Sam, du khách có thể đến núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên) rồi sang đồi Tức Dụp, nhà mồ Ba Chúc (huyện Tri Tôn), khu du lịch Văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn).
Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh du lịch vốn có, đồng thời cũng là thu hút lượng khách du lịch đến rừng tràm Trà Sư ngày một nhiều hơn, tháng 9/2009, tỉnh An Giang đã đầu tư nâng cấp Đài Vọng Các (tháp quan sát) từ chiều cao 18m lên 23m với kính viễn vọng xa gấp 40 lần. Từ đây du khách có thể quan sát toàn bộ khu vực rừng tràm và tượng Phật Di Lạc cao 36m trên đỉnh núi Thiên Cấm Sơn.
Không chỉ có thế mạnh trong phát triển du lịch, rừng tràm Trà Sư còn là nơi giao lưu về mặt kinh tế - văn hóa - du lịch giữa tỉnh An Giang và nước bạn Campuchia.
Thanh Hải biên tập