Về Bình Định khám phá bí ẩn tháp Chăm
Cập nhật: 29/11/2009
Đến với quê hương đất võ Bình Định du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử của vùng “đất võ trời văn”, về vị Anh hùng áo vải Quang Trung, mà du khách còn được khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, huyền bí và mang giá trị nghệ thuật cao của những cụm tháp Chăm.

Tháp Đôi

Bình Định ngày nay vốn là vùng định đô khá dài của vương quốc cổ Chămpa ở giai đoạn phát triển rực rỡ nhất, từ thế kỷ 11 đến 15. Chính vì vậy, Bình Định được biết đến là nơi còn lưu giữ nhiều di tích kiến trúc – văn hóa Chăm độc đáo, trong đó đặc biệt nhất là các di tích tháp Chăm. Quần thể tháp Chăm Bình Định còn khá nguyên vẹn, đa dạng và đạt nhiều kỷ lục trong khu vực Đông Nam Á: Tháp Dương Long, là tháp gạch cao nhất với tháp giữa cao 39m; tháp Hòn Chuông được xây ở vị trí cao nhất khu vực Đông Nam Á: 600m. Trong số hơn 60 công trình kiến trúc tháp còn trên dải đất miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định là địa phương thứ hai, sau Mỹ Sơn (Quảng Nam) có nhiều tháp Chăm nhất Việt Nam.

 

Hiện nay, trên đất Bình Định có đến 8 cụm với 14 tháp Chăm nổi tiếng gồm Bánh Ít, Dương Long, tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông nhưng tháp Hòn Chuông chỉ còn là chân đế, những ngôi tháp này nằm ở các  vùng xung quanh kinh thành Đồ Bàn xưa, nay thuộc địa giới ba huyện và một thành phố: huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn và Tp. Quy Nhơn. Niên đại của các tháp Chăm được xác định là từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 12, tức tuổi thọ trung bình của chúng cách nay ngót 1.000 năm.

 

Nếu xuất phát từ Tp. Quy Nhơn, du khách sẽ gặp tháp Đôi ngay trong lòng thành phố, bên bờ đầm Thị Nại. Tháp nằm cạnh cầu Ðôi trên đường Trần Hưng Đạo, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Tháp Ðôi còn có tên là tháp Hưng Thạnh, được xếp vào một trong những tháp đẹp "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Bởi hai tháp đứng gần như song song với nhau nên được gọi là Tháp Đôi.

 


Tháp Cánh Tiên

Tiếp tục đi ra hướng bắc là tháp Phú Lốc và tháp Cánh Tiên, hai ngọn tháp này cũng được xây trên những ngọn đồi cao, từ Quốc lộ 1 nhìn lên đều thấy.

 

Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Ðồ Bàn, thuộc làng Nam An, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, cách thành phố Qui Nhơn 27km về hướng tây bắc. Tháp được xây trên một đỉnh đồi cao chừng vài chục mét, thờ Nữ Thần Y A Na. Tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời. Đây là một trong những ngôi tháp điển hình cho phong cách kiến trúc Bình Định. Kết cấu gồm tiền sảnh và điện thờ, tuy nhiên phần tiền sảnh đã bị đổ. Phía ngoài thân tháp, các mặt tường được trang trí những cột ốp và các khung dọc nhô ra. Khác với các tháp Chăm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng sa thạch ở nửa phía ngoài các cột ốp tường và các góc diềm mái. Tại bốn góc ở mỗi tầng của tháp có các chi tiết bằng đá hình đuôi phượng nhô ra.

 

Đi tiếp về phía biển, du khách sẽ bắt gặp tháp Bình Lâm (thuộc huyện Tuy Phước) trên núi Bà. Cũng thuộc địa phận huyện Tuy Phước, cách Tp.Quy Nhơn khoảng 30km, sát ngã ba Quốc lộ 19 và Quốc lộ 1, là quần thể tháp Bánh Ít, gồm 4 tháp lớn nhỏ được xây trên một ngọn núi, soi bóng xuống dòng sông Côn, đứng từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh Ít. Tháp chính cao 22m trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Chung quanh tháp chính còn có ba tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn nhiều. Trong ba tháp này có hai tháp giống như hai chiếc bánh ít ngọt và một tháp giống bánh ít mặn. Ở tháp Bánh Ít là những kiến trúc duyên dáng, đặc biệt là tháp có hình yên ngựa. Mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt mang sắc thái khác nhau. Trên đỉnh mỗi tháp đều có tượng thần Siva làm bằng đá.

 

Từ tháp Bánh Ít, theo Quốc lộ 19 lên Tây Sơn, chiêm ngưỡng tháp Thủ Thiện ở bên này và tháp Dương Long ở bên kia sông Kôn.

 


Tháp Dương Long

Tháp Dương Long thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, còn có tên là tháp Ngà, gồm 3 tháp, tháp giữa cao 24m, hai tháp hai bên cao 22m. Ðây là một trong những cụm tháp đẹp nhất còn lại của miền Trung Việt Nam. Phần thân tháp xây gạch, các góc được ghép những tảng đá lớn và các trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa tháp quay hướng đông và được nâng lên khá cao, chừng khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Nửa phần trên của tháp gần như là những khối đá lớn xếp chồng lên nhau rất khéo. Ở các góc là những mảng chạm lớn với hình chim thần Garuda, Voi, Đại bàng... Các mặt phẳng của tường được trang trí nhiều bức phù điêu lớn có hình lá đề, mô tả cảnh múa hát, tu sĩ. Những người này được thể hiện có đầu tương đối lớn, đội mũ có chỏm cao. Ðặc biệt là những đỉnh tháp ở đây là những bông sen vĩ đại với nhiều lớp cánh hoa hơi hướng lên trên. Mọi chi tiết trang trí ở tháp này đều rất lớn, trổ trên sa thạch, đường nét rõ ràng và còn giữ được rất tốt.

 

Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định những cụm tháp Chăm ở Bình Định như một bảo tàng ngoài trời sống động, độc đáo. Hệ thống các công trình tôn giáo bằng gạch của nền văn hóa Chămpa hiếm hoi còn sót lại trên đất Bình Định gần như đầy đủ mọi loại hình trong các nhóm kiến trúc tháp Chăm hiện còn như nhóm kiến trúc một tháp, nhóm kiến trúc ba tháp xây thẳng hàng theo tín ngưỡng "tam vị nhất thể."

 

Vì sao trải qua hàng nghìn năm với những biến thiên mà những ngọn tháp đất nung này vẫn tồn tại? Đây vẫn là điều bí ẩn khi mọi người nói đến tháp Chăm. Chất liệu xây dựng nên chúng là gạch Chăm, gạch Chăm cũng làm từ đất sét như mọi loại gạch khác, nhưng không biết người nghệ nhân Chăm xưa đã khắc tạc trực tiếp lên gạch sống hay gạch chín? Vì những nhát khắc quá ngọt ngào trên chất liệu, vì cái cảm giác đất nung quá ấm áp và gần gũi mỗi khi chạm tay vào cơ-thể-gạch của ngọn tháp đã truyền cho du khách niềm tin qua hàng nghìn năm về sự bền bỉ của một loại chất liệu. Không trường cửu như gạch nhưng vĩnh cửu là đất.


Tháp Chăm Bình Định
đã và đang hấp dẫn nhiều du khách đến thăm bởi sự hùng vĩ và trường tồn với thời gian qua gần một nghìn năm. Hãy đến và khám phá những bí ẩn và những nét độc đáo mà chỉ có ở tháp Chăm ở Bình Định.

  

Phương Anh (tổng hợp)