Nghi Tàm, cùng với Tây Hồ và Quảng Bá là ba làng cổ của phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Nằm ngay mép nước hồ Tây, làng Nghi Tàm có lịch sử gắn liền với lịch sử của hồ nước giàu chất huyền thoại này. Đây là địa danh mang đậm các dấu tích văn hóa, từ các di tích lịch sử đến nghề truyền thống của kinh thành Thăng Long xưa.
Làng Nghi Tàm được hình thành từ năm 1138, đời vua Lý Thần Tông với tên khai sinh là trại Tầm Tang. Cái tên trại do chính nhà vua đặt. Trại Tầm Tang gắn với tích công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông dời cung về nơi này dạy dân trồng dâu, nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long về nghề tơ tằm.
Đến thời Trần, trại đổi tên là phường Tích Ma và khi đó cư dân lại phát triển nghề se gai, dệt lưới đánh cá. Sang đến thời Lê, phường Tích Ma đổi tên thành Nghi Tầm nhưng do trùng với tích bà Từ Hoa công chúa rời cung về dạy nghề cho dân làng nên đổi lại thành Nghi Tàm. Nghi Tàm thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận và sau này qua nhiều biến chuyển thời gian, làng Nghi Tàm nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Trước kia, làng Nghi Tàm chia thành ba xóm: Xóm Chùa, xóm Trên, xóm Cái. Làng nổi tiếng khắp vùng về thắng cảnh đẹp. Trong “Bát cảnh hồ Tây” thì Nghi Tàm đã hội tụ tới ba cảnh đẹp, gồm "Bến Trúc Nghi Tàm" là một cây cầu, nơi trước kia các nhà thơ thường ra đó vịnh thơ, vẫn còn lưu lại đến ngày nay; "Đồng bông Nghi Tàm" tức cánh đồng hoa nay bị mất đi do đô thị hóa và "Tiếng đàn Thành Cung" - nơi nhà vua phát ra tiếng đàn vẫy gọi chim muông, dấu tích vẫn còn ngay trong sân chùa Kim Liên. Nghi Tàm cũng là quê hương của Bà Huyện Thanh Quan, tác giả của những bài thơ hoài cổ nổi tiếng qua các thế hệ. Ngày nay, ở Nghi Tàm còn một bia đá mà người ta cho là bia ghi danh Bà Huyện Thanh Quan, hiện đang được lưu giữ tại một gia đình thuộc dòng họ.
Vốn là vùng đất cổ, Nghi Tàm gắn với sự hình thành và phát triển của đất Thăng Long, nổi danh với hai di tích chùa Kim Liên và đình Nghi Tàm được xây dựng từ thời Lê. Hai di tích này là hồn khí nhiều đời nay của dân làng Nghi Tàm nên được bảo tồn tôn nghiêm.
Chùa Kim Liên nguyên xưa kia là chùa Ðống Long, được xây dựng từ thời nhà Trần (1225 - 1413). Đến năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được tu sửa và đổi tên là chùa Kim Liên. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa được đại trùng tu, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay. Chùa thờ Phật và công chúa Từ Hoa. Kiến trúc chùa Kim Liên theo kiểu chữ “Tam” với ba bộ mái cao thấp khác nhau, liên kết với nhau bằng tường gạch để trần, có trổ cửa sổ tròn lồng chữ nhà Phật. Nổi bật nhất trong quần thể kiến trúc là tam quan và những bức chạm nổi tinh xảo. Chùa Kim Liên được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Hà Nội vẫn còn giữ lại những nét kiến trúc độc đáo.
Được xây dựng muộn hơn chùa Kim Liên, đình Nghi Tàm có từ thời Lê và thờ sáu vị là Thượng đẳng tối linh thần: Minh Khiết Dực thánh thần; Triều Đình Phù Quốc thần; Bảo Trung cương Đoán thần; Hoàng Hiệp Tây Hồ Thủy thần; Lỗ Quốc Thái Sư thần; Quỳnh Hoa Đoan Trang Công Chúa thần.
Xưa, đình Nghi Tàm to đẹp khang trang gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Các gian đều được làm bằng khung gỗ lim chắc khỏe, chân cột đình đều lát đá xanh. Đến nay, đình chỉ còn 3 gian hậu cung, lưu giữ nguyên vẹn ngai thờ, cửa võng với các họa tiết chạm trổ rất tinh xảo.
Hàng năm, dân làng Nghi Tàm tổ chức lễ hội vào ngày 9 và 10-2 Âm lịch tưởng nhớ các vị Thành hoàng. Hội làng Nghi Tàm được tổ chức tại đình Nghi Tàm. Trước lễ hội 2 ngày, các cụ ông đến đình dọn dẹp, bài trí lại. Trong lễ hội có lễ rước nước: 40 thiếu niên mặc áo trắng, đai hồng đi theo các cụ già mặc đồ dân tộc (khăn xếp, áo the) rước lọng lên chùa Kim Liên làm lễ. Nhà sư ở chùa Kim Liên sẽ cho nước của phật vào chóe. Ngày hôm sau mới rước nước về đình, khai mạc lễ ở đình. Phần hội thường có tổ chức bơi trải, thi hoa cây cảnh, chọi gà...
Cũng như nhiều làng khác nằm ven hồ Tây, làng Nghi Tàm có những nghề truyền thống với bề dày gần trăm năm nay, nổi tiếng nhất đó là nghề trồng cây cảnh và nuôi cá cảnh.
Trải qua bao biến thiên cuộc sống, nhưng những dấu tích văn hóa-lịch sử về làng Nghi Tàm vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn tới ngày nay. Có lẽ vì lý do đó mà nơi đây được chọn là một trong các điểm du lịch nằm trong quần thể di tích, lễ hội chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Phương Anh (tổng hợp)