Ấn tượng làng nghề “Một thoáng Việt Nam”
Cập nhật: 01/12/2009
Đến thăm vùng đất Củ Chi – nơi từng được mệnh danh “Đất thép thành đồng” hôm nay, ngoài việc được tham quan những di tích lịch sử nổi tiếng như: đền Bến Dược, địa đạo Củ Chi…, du khách còn có dịp tham quan, khám phá một điểm du lịch rất mới và thú vị, đó là làng nghề “Một thoáng Việt Nam” (ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh).

Với diện tích khoảng 20ha và được phân thành các khu khác nhau như: khu không gian đất nước - con người Việt Nam, khu nhà đặc trưng một số vùng miền, khu làng nghề, khu văn thơ, khu hoa thơm cỏ lạ, khu văn hóa ẩm thực…, làng nghề “Một thoáng Việt Nam” là nơi tôn vinh văn hóa Việt Nam, phác thảo hình ảnh một Việt Nam thu nhỏ và sống động.

           Không gian xã tắc - sơn hà xã tắc

Ngay từ cổng vào, du khách sẽ bắt gặp khu “không gian đất nước - con người Việt Nam” với sự sắp đặt hết sức tinh tế và khéo léo của chủ nhân. Một đền thờ xã tắc - sơn hà xã tắc, với bàn thờ được đắp bằng đất và nước lấy từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước, từ địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) cho đến mũi Cà Mau kết hợp với tro lấy từ lư hương ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và chùa Hoa Yên (Yên Tử - Quảng Ninh). Phía trước đền có trưng bày ba cây cọc gỗ Bạch Đằng được đưa từ vùng Yên Giang (Quảng Ninh) về đây - minh chứng về trận chiến chống lại quân Nguyên Mông của ông cha ta vào năm 1288. Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày hàng trăm hiện vật lịch sử của các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo bao gồm: trống đồng Đông Sơn, hũ sành, ấm đất nung, đồ trang sức bằng đá… Đặc biệt, du khách đến đây sẽ có dịp chiêm ngưỡng một sa bàn bản đồ Việt Nam với chiều dài 55 mét trên nền hoa văn trống đồng được đắp bằng đá ong và hình ảnh một quả trứng đã nở với hai lá cờ ở bên trong - nhắc cho chúng ta nhớ đến cội nguồn dân tộc qua truyền thuyết mẹ Âu Cơ trăm trứng nở trăm con.

Hình ảnh một quả trứng đã nở với hai lá cờ ở bên trong - nhắc cho chúng ta nhớ đến cội nguồn dân tộc qua truyền thuyết mẹ Âu Cơ trăm trứng nở trăm con

Sa bàn bản đồ Việt Nam với chiều dài 55 mét trên nền hoa văn trống đồng được đắp bằng đá ong

Từ lịch sử, du khách sẽ tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thông qua khu nhà đặc trưng một số vùng miền. Đây là một cuộc triển lãm lộ thiên về nếp nhà ở của người dân Việt Nam, đó là một ngôi nhà gỗ pơmu của người Mông ở vùng núi cao; ngôi nhà gỗ ba gian với vườn ngô trước nhà, hàng rào râm bụt bao quanh ở vùng đồng bằng Bắc bộ; ngôi nhà vườn Huế với cây trái xum xuê xanh tốt; ngôi nhà mái tranh, vách đất mát về mùa hè, ấm vào mùa đông của vùng đất võ Bình Định; ngôi nhà rông, nhà dài của đồng bào Tây Nguyên hay ngôi nhà gỗ năm gian với những lu nước trước nhà, nằm thấp thoáng bên ruộng lúa, dòng kênh,…ở vùng đồng bằng Nam Bộ... Điểm đặc sắc ở đây là tất cả những ngôi nhà này đều được thiết kế, tạo dựng theo đúng như trong thực tế và vật liệu cùng đội ngũ người thợ cũng được tuyển từ chính địa phương đó. Chẳng hạn như ngôi nhà gỗ pơmu do chính người Mông thực hiện và công cụ sử dụng để làm nhà là rìu; nhà rông Tây Nguyên là do chính người Bana từ Buồn Ma Thuột (Đắk Lắk ) xuống làm hay căn nhà mái tranh vách đất cũng do chính người thợ từ vùng đất võ Bình Định làm nên…

                        Nhà rông Tây Nguyên

     Nhà mái tranh, vách đất của vùng Bình Định

Với tinh thần nhằm mang lại sự mới lạ cho du khách tham quan đồng thời cũng là bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống, tại đây còn có riêng một khu làng nghề - tập hợp nhiều nghề đặc thù, nổi tiếng trên khắp mọi miền đất nước như: nghề làm giấy dó; làm vàng quỳ, sơn son thếp vàng; dệt tơ lụa; thổ cẩm; mộc; thêu; tranh ghép gỗ; đan lát mây tre; chằm nón; gốm sứ; chế biến mía đường; làm bánh tráng; canh tác lúa nước; nuôi trồng thủy sản; ươm trồng hoa lan, cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm...

                    Nghệ nhân làm giấy dó

Ruộng lúa nước và chiếc cày bừa, thuyền thúng của nhà nông

Các nghệ nhân, thợ thủ công hay nông dân ở đây đều là những người lành nghề, được tuyển từ các làng nghề địa phương và họ đến đây với tinh thần làm việc hăng say để tạo ra những sản phẩm giống như sản phẩm ở làng mình và luôn sẵn lòng trình diễn và hướng dẫn các công đoạn sản xuất sản phẩm cho du khách tham quan.

Ngoài ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, làng nghề “Một thoáng Việt Nam” còn là nơi thư giãn, nghỉ dưỡng lý tưởng. Đến đây, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng một bảo tàng thực vật Việt Nam thu nhỏ trong khu hoa thơm cỏ lạ với hơn 500 loài cây như: lúa, chuối, bầu, bí, mướp, bông vải, hoa súng, nắp ấm… đặc biệt là tre với khoảng 50 giống được sưu tầm ở cả trong nước và ngoài nước. Được biết, hiện Ban Quản lý làng nghề đang tập trung nghiên cứu giống tre với mong muốn tìm ra lời giải đáp cho điều nghịch lý: Việt Nam cũng là quê hương của cây tre, cây tre gắn bó với người Việt từ nhỏ cho đến già, thế nhưng sản phẩm từ tre đến nay hầu hết vẫn là vật dụng đơn giản, hàng thủ công mỹ nghệ, trong khi nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã phát triển công nghệ chế biến tre rất cao (công nghệ nanô) để làm ra những sản phẩm sinh thái cao cấp như: nước hoa, xà phòng, tấm lọc, sợi vải… từ than tre.

              Lũy tre, khung cảnh đồng quê

  Rất nhiều giống cây, loại quả được trồng ở đây

Nếu muốn có những phút giây nhẹ nhàng, lãng mạn, du khách có thể tham quan, thư giãn tại khu văn thơ với nhiều tranh ảnh, thư pháp, tượng điêu khắc của một số nhà thơ, nhân vật nổi tiếng trong văn học Việt Nam như: tượng nhà thơ Nguyễn Công Trứ với hai cây thông trước sân minh họa cho hai câu thơ: “Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”, tượng hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở trong tác phẩm nổi tiếng Chí Phèo của nhà văn Nam Cao…

Trong không gian tuyệt đẹp, lãng mạn và thấm đượm hương vị quê hương ấy, du khách sẽ có dịp được thưởng thức các món ăn rất ngon, từ dân dã đến đặc sản ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam tại khu văn hóa ẩm thực như: món dưa cà của người miền Bắc, các loại mắm cá của người miền Nam, các loại bánh của người miền Trung… Mỗi món ăn đều giữ những hương vị riêng, vốn có của nó và được chế biến từ các loại rau, củ, quả trồng được trong khu làng nghề.

So với một số nước giàu truyền thống văn hóa ở châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia…, mô hình du lịch dã ngoại kết hợp làng nghề truyền thống ở Việt Nam là mô hình du lịch mới phát triển.Có thể nói sự ra đời của làng nghề “Một thoáng Việt Nam” là một hướng đi đầy ý nghĩa trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc. Bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam nhớ về nguồn cội, góp phần khôi phục những làng nghề truyền thống đã và đang bị mai một theo thời gian.


                                                                                                    Thanh Hải biên tập
Trung tâm Thông tin du lịch