Làng nón ngựa Phú Gia
Cập nhật: 10/12/2009
Nếu xứ Huế nổi tiếng với nón bài thơ - loại nón lá thanh lịch, mỏng và nhẹ, lồng trong lớp lá là hình ghép hoa lá cùng những câu thơ, câu văn thì ở đất võ Bình Định rất có tiếng với nón ngựa Phú Gia – loại nón mang vẻ đẹp mạnh mẽ của con nhà võ, thường được thêu hoa văn theo các đề tài long, lân, quy, phụng; lưỡng long tranh châu; mai lan cúc trúc… hoặc cảnh vật trên nang sườn nón.

Khung (sườn) nón ngựa được làm từ cây dang trên núi cao, được bện (bủa) và thêu ren rất công phu

Nghề làm nón ngựa ra đời cách đây gần 100 năm. Trước kia, loại nón này được sản xuất ở rất nhiều nơi thuộc huyện An Nhơn và Phù Cát, đặc biệt là ở Kiều Đông, Kiều Nguyên, Phú Gia (ngày nay thuộc địa phận xã Cát Tường, huyện Phù Cát) rồi được chuyển về bán tại chợ Gò Găng. Nón chỉ dành riêng cho những người giàu sang, quyền quý, đặc biệt, những chiếc nón có bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón, giới quan lại, địa chủ: các lý trưởng, chánh tổng, tại các làng quê ở Bình Định thường dùng để đội khi cưỡi ngựa, cũng chính vì điều này mà nó có tên là nón ngựa Gò Găng.

Ngày nay, nghề chằm nón ngựa chỉ còn được duy trì ở làng Phú Gia (xã Cát Tường) - cách Gò Găng khoảng 5km về hướng đông.

Để chằm được một chiếc nón ngựa, người thợ phải thực hiện bốn công đoạn: tạo sườn mê, thắt nang sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá chằm chỉ. Mỗi công đoạn có một nhóm người làm theo hình thức chuyên môn hóa.

Nghệ nhân làng Phú Gia đang thực hiện công đoạn làm nón

Nguyên liệu để làm nón là sử dụng cây giang làm sườn, lá kè (cọ) làm lá lợp nón, cây dứa (thơm tàu) làm chỉ (ngày nay, người ta đã thay thế bằng sợi dây cước mịn). Dụng cụ làm nón: lồng tre (để sấy khô lá kè), kéo chuyên dụng (cắt lá kè), dao vuốt (chẻ) nang sườn, bàn chốt nang (có những lỗ tròn nhiều kích cỡ khác nhau để tướt nang tròn đều), kim chuyên dụng chằm nón, khuôn nón mẫu.

Tuy nghề chằm nón đem lại thu nhập không cao nhưng nó đã giúp cho người dân lao động nơi đây có việc làm lúc nông nhàn. Quan trọng hơn, nghề làm nón ngựa truyền thống đang được nhà nước quan tâm, khôi phục và những chiếc nón ngựa chỉ có ở vùng đất võ Bình Định đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn biết bao du khách.

Theo ông Đỗ Văn Lang, Tổ trưởng làng nghề nón ngựa Phú Gia cho biết: Kể từ khi Festival Bình Định được tổ chức hàng năm, rất đông du khách trong nước và nước ngoài, đặc biệt là du khách Pháp đã đến tham quan, tìm hiểu làng nghề nón ngựa Phú Gia, họ rất thích loại nón này và hết lời khen ngợi bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ thủ công, họ đã đặt mua nhiều sản phẩm nón ngựa mang về làm kỷ niệm, tặng bạn bè, người thân.

Với sự phát triển của đất nước hiện nay, nón ngựa Phú Gia là một phần nét đẹp trong văn hoá du lịch Bình Định. Nghề làm nón ở đây không chỉ là một nghề thủ công thuần tuý, mà nó còn đóng vai trò như một hoạt động nghệ thuật, đem lại cho xã hội những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, có ích.


                                                                                                    Thanh Hải biên tập
Trung tâm Thông tin du lịch