Trên vùng đất nổi tiếng của địa đạo Củ Chi, đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược – Củ Chi đã được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh góp phần giành độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước. Đây là một công trình tri ân đối với các thế hệ hôm nay và mai sau nhớ mãi.
Ðền được xây dựng trên một vùng đất rộng 7 ha, khởi công vào ngày 19/5/1993 nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 103 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 19/12/1995, đền tưởng niệm khánh thành giai đoạn 1 và bắt đầu đón những đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tưởng niệm, tham quan.
Ðền tưởng niệm được các nhà kiến trúc, những nhà xây dựng và những người tâm huyết tạo thành một quần thể kiến trúc hài hòa, thoáng đãng, mang bản sắc văn hóa Việt một cách tinh tế, gồm các hạng mục:
Tam quan: Tam quan được kiến trúc theo phong cách truyền thống với các hàng cột tròn, trên lợp ngói âm dương. Công trình có hoa văn, họa tiết, mái cong của những cổng đình làng nhưng được cách tân bởi những vật liệu mới. Chính giữa Tam quan là biển đề "Ðền Bến Dược" và trên các thân cột là những câu đối của nhà thơ Bảo Ðịnh Giang:
”Trải tấm lòng son vì đất nước,
Ðem dòng máu đỏ giữ quê hương."
"Lòng biết công ơn nhang thơm một nén,
Ðời còn bóng dáng sao sáng ngàn năm."
Nhà văn bia: Nhà văn bia là một nhà vuông có hai mái, lợp ngói, ở giữa đặt một tấm bia đá cao 3m, ngang 1,7m, dày 0,25m, nặng 3,7 tấn. Tấm bia đá này được lấy từ một khối đá nặng 18 tấn ở Ngũ Hành Sơn, Tp. Ðà Nẵng và được các nghệ nhân đẽo gọt, chạm khắc những hoa văn độc đáo của dân tộc. Bài văn được khắc vào bia đá với tựa đề "Đời đời ghi nhớ" của nhà thơ Viễn Phương, được chọn trong một cuộc thi có 217 bài từ 29 tỉnh, thành phố.
Ðền chính: Kiến trúc mang dáng dấp đền đài truyền thống của Việt Nam, vừa tôn nghiêm, vừa tĩnh mịch. Ðiện thờ bố trí theo hình chữ U: Trung tâm là bàn thờ Tổ Quốc, chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên ghi: “Vì nước quên mình”. “Tổ quốc ghi công”. “Ðời đời ghi nhớ”. Tả, hữu là hai hương án thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh, chưa tìm được tên. Dọc theo các bậc tường bên trái là tên liệt sĩ khối dân chính đảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sĩ lực lượng võ trang.
Tên liệt sĩ được khắc vào bia đá hoa cương, chữ mạ vàng. Có 44.357 liệt sĩ được ghi tên trong đền, gồm có Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sĩ, trong đó có 9.322 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác. Hằng ngày, có nhiều lượt người đến tìm tên của thân nhân và đồng đội, nhiều người đã nghẹn ngào, xúc động vì đã tìm thấy được tên, biết được nơi an táng và những chi tiết khác của liệt sĩ do ban quản lý cung cấp.
Tháp: Thể hiện cho sự vươn lên đỉnh cao trong tương lai. Tháp có 9 tầng, cao 39m. Trên vách tháp có nhiều văn hoa, phù điêu thể hiện cuộc sống và chiến đấu của nhân dân Củ Chi "Đất Thép Thành Đồng". Đứng trên tầng cao của tháp, chúng ta có thể ngắm nhìn một phần của vùng căn cứ cách mạng mà địa danh đã đi vào lịch sử: vùng "Tam giác sắt".
Hoa viên: Từ khu đất đầy hố bom, cằn cỗi do chiến tranh tàn phá, nay đền đã có một hoa viên mượt mà, tươi đẹp, hoa nở quanh năm với nhiều loại cây kiểng quý do nhiều nghệ nhân và các nơi gởi tặng. Ðặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố và các tỉnh đã trồng lưu niệm nhiều loại cây quý ở đây.
Đền Bến Dược đón tiếp khách trong và nước ngoài đến thăm viếng quanh năm. Ngày 19/12 hàng năm là ngày lễ hội tưởng niệm và tri ân các anh hùng tại đền Bến Dược, đây là dịp đông đảo đồng bào, đồng chí, các đoàn khách đến dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ đến những người đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự do hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Phương Anh - biên tập