Đến thăm nhà thờ nhân dịp Giáng sinh
Cập nhật: 20/12/2009
Đi suốt chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều công trình kiến trúc nhà thờ cổ kính và đẹp. Đặc biệt, trong đêm giáng sinh huyền thoại, những ngôi thánh đường ấy lại rực rỡ với hệ thống ánh đèn đủ sắc màu, cờ hoa lộng lẫy tô điểm trên các tháp chuông để đón chào một mùa giáng sinh an lành và hạnh phúc.

Trong không khí náo nức đón mừng Noel và Năm mới, nhà thờ trên mọi miền đất nước đang là nơi tập trung rất nhiều người cả trong và ngoài đạo đến dự lễ, tham quan.

 

Nhà thờ đá cổ Sa Pa

Nhà thờ đá nằm ở trung tâm thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, được người Pháp xây dựng từ năm 1931, đến 1942 mới hoàn thành. Ngôi thánh đường như là một biểu tượng của xứ sở Sa Pa quanh năm sương mù, nơi ngấm vào bao hơi thở của núi rừng Tây Bắc mà bất cứ du khách nào khi lên đến Sa Pa cũng đều muốn lưu lại hình ảnh như một lời cam kết chưa chụp ảnh bên nhà thờ này thì chưa lên Sa Pa vậy.

 

Nhà thờ Lớn - Hà Nội

Tọa lạc tại số 40, phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, nhà thờ Lớn Hà Nội có tên là St.Joseph được khánh thánh vào lễ Giáng Sinh năm 1887, là ngôi nhà thờ lớn nhất thành phố Hà Nội, tiêu biểu và mang nét đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc Gô tích thời Trung Cổ ở châu Âu với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên đỉnh trời, đón ánh sáng.

 

Nhà thờ có chiều dài 64,5m, rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Phía trong sảnh nhà thờ có một cửa đi lớn, và hai cửa nhỏ hai bên tháp được thiết kế theo phong cách cổ điển. Kết hợp với các cửa cuốn nhọn là những bức tranh Thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hòa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong lòng nhà thờ. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh vi độc đáo. Ở gian chính có tượng thánh Giesu cao hơn 2m. Bên cạnh đó, nhà thờ còn có một bộ chuông, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ có báo khắc, báo giờ, được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp. Trung tâm quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ bằng kim loại, xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa, phía sau có hang đá, tạo thành một quần thể kiến trúc rất hài hòa.

 

Nhà thờ Phú Nhai - Nam Định 

Nhà thờ Phú Nhai nằm trên địa bàn huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cách Hà Nội khoảng 120km. Phú Nhai là một trong những nhà thờ lớn nhất của Việt Nam. Năm 2008, nhà thờ đã được tòa thánh phong là Vương cung Thánh đường (đây là Vương cung Thánh đường đầu tiên ở miền Bắc và thứ ba ở Việt Nam). Nhà thờ Phú Nhai luôn có một sức lôi cuốn huyền bí, nhất là vào những ngày lễ.

 

Nhà thờ Phú Nhai đã qua 3 lần xây cất. Lần đầu tiên là năm 1881, vì hoàn cảnh còn eo hẹp, nhà thờ đã xây xong nhưng chưa đúng như lòng mong ước, nên những thập niên về sau, một đền thờ lớn hơn đã được xây và hoàn tất năm 1923, được coi là nhà thờ lớn ở Đông Dương lúc bấy giờ. Tuy nhiên, năm 1929 nhà thờ bị bão làm đổ nên phải xây dựng lại và nhà thờ Phú Nhai hiện tại được hoàn thành năm 1933.

 

Nhà thờ được xây theo phong cách kiến trúc Tây Ban Nha, có khuôn viên rộng với diện tích 2,160m2. Nhà thờ dài 80m, rộng 27m, cao 30m. Hai tháp chuông cao 44 mét đặt 4 quả chuông được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng là: 2.000 kg - 1.200 kg - 600 kg và 100 kg. Mái vòm nhà thờ này cao gấp rưỡi nhà thờ Đức Bà Tp. HCM và nhà thờ Lớn Hà Nội.


Nhà thờ Phát Diệm - Ninh Bình

Nhà thờ thuộc thị trấn Phát Diệm huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội 130km. Phát Diệm có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp. Đây là một công trình nhà thờ độc đáo ở Việt Nam, ngôi thánh đường được xây dựng theo kiểu kết hợp giữa kiến trúc dân gian phương Đông với Gô tích phương Tây, cấu trúc hoàn toàn bằng đá phiến và gỗ lim, được đánh giá là nơi hội tụ những tinh hoa chạm khắc đá của Việt Nam mà đến nơi đây du khách không khỏi ngạc nhiên lẫn thán phục bàn tay tài hoa của người thợ xưa. Các công trình kiến trúc nguy nga, tráng lệ nhưng hài hòa với cảnh vật thiên nhiên.

 

Nhà thờ được xây dựng trong suốt thời gian 24 năm liên tục (từ năm 1875 đến năm 1899). Quần thể kiến trúc gồm có (từ hướng nam đi vào): Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn với bốn nhà thờ cạnh ở hai bên, nhà thờ đá, ba hang đá nhân tạo.

 

Bước qua cây cầu ngói cổ, du khách sẽ nhìn thấy pho tượng Chúa Giesu màu trắng trên hòn đảo nhỏ trong một hồ nước rộng 1ha. Phía sau là tòa Phương Đình ba tầng xây bằng đá phiến. Bên ngoài và bên trong Phương Đình là các bức phù điêu bằng đá khắc hình Chúa Giesu, các vị Thánh, những mô típ nghệ thuật dân gian. Đặc biệt, mái của Phương Đình không cao vút như những ngôi thánh đường khác mà cong thấp, cổ kính như mái đình chùa Việt Nam. Tiếp theo là nhà thờ lớn có bốn mái với 6 hàng cột gỗ lim khổng lồ. Cung thánh đường là một khối đá dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng 20 tấn. Mặt tiền nhà thờ là hình ảnh cách điệu của hoa sen, đào, cúc, cuốn thư, nậm rượu rất tinh xảo. Đặc biệt, bức phù điêu tuyệt đẹp ở trung tâm với 17 thiên thần trong vườn hoa mân côi lại có nét của các nhân vật trong tranh dân gian Việt Nam. Hai bên gian cung thánh của nhà nguyện Thánh Giuse có 14 bức phù điêu miêu tả những điển tích trong Thánh Kinh được xem là kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá Việt Nam. Nhà thờ đá còn được gọi là nhà thờ Trái tim Đức Mẹ. Bên trong là các bức chạm tứ quý tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp của bốn mùa trong năm. Đặc biệt, hai bức phù điêu chim phượng hoàng và sư tử đã tạo nên nét sinh động và quyến rũ của ngôi thánh đường. Ở phía bắc khu nhà thờ có 3 hang đá nhân tạo được xây dựng bằng những khối đá lớn nhỏ khác nhau, trong đó hang Lộ Đức là đẹp nhất.

 

Nhà thờ gỗ Kon Tum

Nhà thờ gỗ Kon Tum nằm trên đường Nguyễn Huệ, Tp. Kon Tum. Nhà thờ bằng gỗ đẹp và độc đáo có tuổi gần trăm năm này là một địa chỉ mà du khách không nên bỏ qua khi đến Kon Tum. Nhà thờ tọa lạc trên một diện tích rộng với nhiều công trình liên hoàn khép kín: giáo đường - nhà tiếp khách - nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo - nhà rông. Bên cạnh đó, khi bước vào khuôn viên của nhà thờ, du khách còn được tham quan nhiều cơ sở như: cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc và cô nhi viện.

 

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na được hoàn thành năm 1918. Không bêtông cốt thép, chất liệu để xây cất nhà thờ hoàn toàn bằng gỗ tốt nhất thời bấy giờ, trong đó gỗ cà chít chiếm số lượng nhiều nhất. Ngoài ra, các bức tường của nhà thờ đều được xây bằng đất trộn rơm, một kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung. Thế nhưng, dù gần một thế kỷ trôi qua ngôi thánh đường vẫn vững vàng, bền đẹp với thời gian. Và điều kỳ diệu hơn là nhà thờ này được dựng lên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân từ Bình Định, Quảng Nam và cả từ miền Bắc vào đã làm nên điều diệu kỳ đó.

 

Nhà thờ Đà Lạt

Nhà thờ Đà Lạt nằm trên đường Trần Phú, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất ở Đà Lạt. Hiện tại, Nhà thờ là một biểu trưng của thành phố hoa Đà Lạt và được rất nhiều khách du lịch tìm đến khi có dịp đến đây.

 

Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Với độ cao đó, tháp chuông của nhà thờ có thể được nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố. Phần phía trên của tường được lắp 70 tấm kính màu do xưởng Louis Balmet ở Grenoble (Pháp) chế tạo, mang dấu ấn của kiến trúc nhà thờ châu Âu thời Trung cổ. Ngoài ra, nhà thờ được nhiều người biết đến với tên gọi "Nhà thờ con gà" vì trên đỉnh tháp chuông có tượng một con gà bằng hợp kim nhẹ, rỗng bên trong dài 0,66m, cao 0,58m quay quanh một trục bạc đạn để chỉ hướng gió.

 

Nhà thờ Đức Bà - Tp.HCM

Nhà thờ Đức Bà, tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn, là một nhà thờ lớn và cổ ở Việt Nam, với 2 tháp chuông cao vút, tọa lạc ở trung tâm thành phố (Số 1 Công trường Công xã Paris, Quận 1). Đây là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại thành phố.

 

Nhà thờ Đức Bà có chiều dài 93m, ngang 36,6m, cao 21m, thi công từ năm 1877 và khánh thành vào năm 1880, phỏng theo nhà thờ Đức Bà ở Paris. Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ nhà thờ từ mái đến tường là một màu đỏ gạch nung. Đặc điểm của loại gạch và ngói là giữ nguyên màu từ ngày xây dựng đến nay và không hề đóng rêu mốc. Vào ban ngày, với thiết kế phối sáng tuyệt hảo, hài hòa tạo nên nội thất thánh đường có ánh sáng êm dịu, tạo cảm giác an lành và thánh thiện.

 

Năm 1894, người ta xây thêm hai tháp trên hai gác chuông khiến chiều cao của nhà thờ lên đến 57m. Tháp có 6 chuông, nặng 28,85 tấn và trên mỗi quả chuông đều có các họa tiết rất tinh xảo. Cả 6 chuông này chỉ cùng ngân lên mỗi năm một lần vào đêm Giáng sinh. Tiếng chuông có thể ngân xa tới bán kính 10km. Giữa hai gác chuông còn có chiếc đồng hồ hiệu R.A với 1 bộ máy nặng trên 1.000 kg, gắn trong khung sắt, chiều ngang 2m, cao 1m, đặt nằm trên bệ gạch; mặt kim đồng hồ hướng ra đường Đồng Khởi. Đến nay, chiếc đồng hồ đã trải qua 130 tuổi. Mặt trước thánh đường là một công viên với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá. Trung tâm của công viên là bức tượng Đức Mẹ hòa bình cao 4,6 m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý.

Phương Anh – tổng hợp